Cấu tạo của Hanbok như thế nào? Chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta đều đã từng thấy, nghe và mặc thử Hanbok, loại trang phục truyền thống đồng thời cũng là quốc phục của đất nước Hàn Quốc. Tuy nhiên, hầu hết mọi người vẫn chưa thực sự hiểu rõ cấu tạo của Hanbok như thế nào và ý nghĩa của nó đối với người dân cũng như nền văn hóa truyền thống ở xứ sở Kim Chi.
Hanbok là gì?
Hanbok là chữ phiên âm Latin của tiếng Hàn Quốc có nghĩa là Hàn Phục (tức là trang phục Hàn Quốc). Đây là một loại trang phục được sử dụng rất phổ biến ở bán đảo Triều Tiên. Hanbok đồng thời cũng được xem là trang phục truyền thống và là quốc phục của hai quốc gia nằm trên bán đảo là Nam Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Trong khi ở Hàn Quốc, loại trang phục này có tên là Hanbok thì ở Triều Tiên, nó lại được gọi là Chosŏn – ot hay Joseon – ot. Và mặc dù có tên gọi để chỉ chung trang phục Hàn Quốc nhưng thực chất Hanbok lại chỉ được dùng để chỉ loại trang phục mặc phổ biến trong thời kỳ Joseon, triều đại cuối cùng cai trị đất nước Hàn Quốc từ năm 1392 – 1897.
Cấu tạo của Hanbok như thế nào?
Cấu tạo của Hanbok như thế nào? Trang phục Hanbok truyền thống được tạo thành từ hai bộ phận chính: áo jeogori (được mặc bởi cả nam và nữ), quần dài baji (cho nam) và váy dài chima (cho nữ).
Áo jeogori: Là chiếc áo dài tay được mặc bởi cả nam và nữ. Chiếc áo này bao phủ phần thân trên của người mặc và bao gồm các bộ phận: thân áo (gil), dải vải cắt qua cổ áo (git), cổ áo (dongjeong) và dây buộc (gorem).
Váy dài chima: Là chiếc váy rộng, khá dài dành cho nữ. Chima có thể dài chạm đất, dài đến mắt cá chân hay chỉ đến bắp đùi của người mặc.
Quần dài baji: Người Hàn Quốc thường ngồi xếp bằng trên sàn nên quần dài baji được thiết kế với ống quần rộng, làm từ chất liệu vải mềm và nhẹ dành cho nam giới.
Ngoài ra, Hanbok còn sử dụng kèm một số phụ kiện như áo choàng (po), áo vest (jokki) và áo khoác ngoài (magoja). Đây là cấu tạo của Hanbok.
Hanbok được làm bằng gì?
Trước khi tiếp xúc với nền công nghiệp phương Tây, người dân Hàn Quốc thường chỉ sử dụng bông để làm Hanbok. Các quý tộc có nhiều sự lựa chọn hơn với vải sợi gai, vải lụa trơn có hoa văn hay các loại vải nhẹ cao cấp khác.
Sau khi tiếp thu sự ảnh hưởng từ các quốc gia bên ngoài, Hanbok bắt đầu được làm bằng lụa, vải lanh và những loại vải công nghiệp cao cấp khác. Các phụ kiện như magoja hay jokki cũng bắt đầu du nhập và trở nên phổ biến đồng thời xuất hiện thêm các mẫu thiết kế khác như Kwanbok (quan phục dành cho quan lại trong triều đình phong kiến).
Ý nghĩa của Hanbok
Xuất hiện từ rất sớm và xuyên suốt chiều dài lịch sử phát triển của Hàn Quốc nên Hanbok có một ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với người dân và nền văn hóa truyền thống của quốc gia này. Hiện nay, hầu hết người dân Hàn Quốc vẫn sở hữu ít nhất là một bộ Hanbok để dùng trong những dịp lễ, tết trọng đại.
Theo truyền thống, các bộ phận của Hanbok đều được thiết kế rất rộng rãi, thoải mái. Điều này tượng trưng cho sự ấm no đồng thời cũng để nói lên tính cách đặc trưng của người Hàn Quốc là khoáng đạt, rộng rãi, thích sự tự do.
Bên cạnh đó, bộ trang phục truyền thống của người dân ở xứ sở Kim Chi cũng được thiết kế theo triết lý âm dương, ngũ hành với 5 màu sắc chính được sử dụng phổ biến là trắng, xanh da trời, đen, đỏ và vàng. Màu trắng cũng là màu được ưa chuộng nhất bởi người dân Hàn Quốc quan niệm màu này thể hiện sự trong sáng, chính trực và thuần khiết.
Ngoài ra, các bộ Hanbok cũng được trang trí họa tiết thể hiện mong ước của người mặc. Các họa tiết này thường là cây lựu, hoa mẫu đơn, hoa cúc với mong muốn sống lâu hay ngọn lửa với mong muốn có được sự khôn ngoan,….
Trên đây là một số thông tin về cấu tạo của Hanbok cũng như ý nghĩa của Hanbok đối với nền văn hóa truyền thống Hàn Quốc. Hy vọng sau khi tham khảo bài viết, các bạn đã có thêm những kiến thức thú vị và bổ ích để hiểu được rõ hơn về những nét đặc sắc, ấn tượng ở xứ sở Kim Chi.