Trang phục truyền thống thời kỳ nhà Lê Trang phục cung đình, ở giai đoạn phong kiến – quân chủ, với tư cách là văn hiến áo mũ của một quốc gia độc lập, đã trải qua những vận động đặc thù, để mang một diện mạo vừa có nét tương đồng, vừa có điểm dị biệt so với trang phục của triều đình các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Nếu trang phục cung đình thời Hậu Lê được du nhập từ nhà Minh thì trang phục thời Tây Sơn có nhiều điểm mới dựa trên những cải cách từ thời chúa Nguyễn. Cùng tìm hiểu về Trang phục truyền thống thời kỳ nhà Lê nhé!
Trang phục cung đình thời Lê Sơ (1428 – 1527)
Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn, sau 10 năm thu lại được toàn vẹn lãnh thổ, tái thiết triều đình Đại Việt. Sau khi kỷ cương được lập lại, nhà Lê đưa Nho giáo thành hệ tư tưởng chính thống để củng cố chế độ phong kiến theo mẫu khuôn vàng thước ngọc. Theo đó, các luật lệ được quy định vô cùng chặt chẽ, quan chế và trang phục triều đình Lê sơ đều tuân theo chế độ Trần – Hồ, có tiếp thu văn hóa từ các nước láng giềng. Lê Lợi – một vị vua xuất thân từ nông dân, mới khởi nghĩa thắng lợi thường triều nghi giản dị, lấy nhân nghĩa để an dân và y phục cũng phản ánh thái độ chính trị ấy.
Trang phục thời Lê sơ có thể phân thành ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, từ năm 1428 đến năm 1437, triều đình Lê sơ bảo lưu một phần chế độ trang phục của nhà Trần – Hồ, thể hiện ở việc lần lượt quy định bá quan văn võ đội mũ Cao Sơn và duy trì các loại mũ Đinh Tự, Tứ Phương Bình Đính trong quân đội.
Giai đoạn thứ hai, từ năm 1437 đến năm 1499, vua Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông lần lượt cho sao phỏng chế độ áo mũ của nhà Minh thể hiện ở các quy chế Công phục – Phốc Đầu và Thường phục – Ô Sa, đặc biệt là quy chế Bổ tử. Giai đoạn thứ ba, từ năm 1499 đến hết thời vua Lê Chiêu Tông, triều đình nhà Lê thực hiện các cải cách trang phục thông qua quy định về chất liệu áo mũ, hình dạng Bổ tử và quy chế trang sức trên mũ Phốc Đầu.
Vua Lê Thái Tông đã chuẩn theo tấu nghị của Lương Đăng du nhập một phần chế độ phẩm phục của nhà Minh, theo đó “vào dịp đại lễ vua mặc áo Cổn, đội mũ Miện, Thường triều đội mũ Xung Thiên, mặc Hoàng bào; mồng một, ngày rằm, bá quan mặc Công phục, đội Phốc Đầu; Thường triều đội mũ Ô Sa, áo cổ tròn.”
Thông tin duy nhất liên quan đến Lễ phục của hậu phi triều Lê sơ là những dòng miêu tả của Nguyễn Trãi trong tờ chế ban tặng Chiêu Nghi làm Hoàng Thái phi. Trong tờ chế ông viết: “Than ôi! Lễ phục Vĩ Địch, vẻ vang không kể mất còn; nấm mộ tuyền đài, trang trí sáng ngời trời đất’.” Theo Chu lễ, Vĩ Địch là Lễ phục tôn quý nhất trong sáu loại trang phục của hậu phi, tương đương với trang phục Cổn Miện của hoàng đế. Bộ trang phục này vừa là Tế phục kiêm Triều phục, đồng thời cũng là cát phục của hoàng hậu, phi tần sử dụng trong các dịp đại lễ sách phong và hôn lễ.
Có thể nói thời kỳ nhà Lê là thời kỳ thăng hoa của trang phục phụ nữ Việt Nam khi giai đoạn này xuất hiện rất nhiều kiểu dáng và thiết kế vô cùng đa dạng. Nhưng nhìn chung các trang phục thời nhà Lê đều có thiết kế khá cầu kỳ với nhiều lớp áo choàng, màu sắc bắt mắt.
Chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa Trung Hoa nên các trang phục truyền thống thời kỳ nhà Lê chưa thoát khỏi cái bóng của vùng đất hùng mạnh này. Trang phục của phụ nữ Việt thời Lê có nhiều nét giống với kiểu áo choàng Hanfu của Trung Quốc với phần ống tay rộng, chiếc thắt lưng to ngang eo được dùng để cố định bộ áo choàng này lại. Chính vì ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa mà bộ trang phục này không được nhiều người hưởng ứng.
Giữa năm 1437, vua Lê Thái Tông lệnh cho Nguyễn Trãi và Lương Đăng đặt định lại chế độ quan phục. Theo quy chế này, Triều phục được quy định là loại trang phục mặc trong lễ tế Giao, Cáo miếu, Thánh tiết, mồng một Tết Nguyên Đán, chỉ trang phục Lương Quan kết hợp với Chu phục, vốn là quy chế có từ thời Tống, bị phế bỏ vào thời Nguyên. Công phục là trang phục mặc vào ngày mồng một và ngày rằm, chỉ trang phục mũ Phốc Đầu kết hợp với Bào phục (phẩm cấp được phân biệt bởi màu sắc áo bào). Thường phục là trang phục mặc vào những buổi Thường triều ngày 5, 10, 20, 25, chỉ trang phục mũ Ô Sa kết hợp với áo bào cổ tròn đính Bổ tử (phẩm cấp được phân biệt ở hình thêu trên vuông vải đính ở trước ngực và sau lưng).
Trang phục cung đình thời Tây Sơn (1771 – 1802)
Trang phục truyền thống thời kỳ nhà Lê – Trịnh dù nội chiến liên miên, dù xã hội có lúc loạn lạc, vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi nhưng lại là thời thịnh đàn của văn học nghệ thuật, và phục trang cũng là một phần trong đó. Cuối thế kỉ 18, anh em nhà Tây Sơn nổi lên, lập ra thời đại mới. Thời Tây Sơn, trang phục chịu ảnh hưởng từ cải cách của chúa Nguyễn Phúc Khoát, có nhiều nét tương đồng với quy chế áo mũ của triều Nguyễn Gia Long về sau.
Qua những ghi chép mô tả các dạng trang phục, mũ mão của vua quan Tây Sơn, từ việc chít khăn vào ngày thường tới việc sử dụng các loại mũ Xung Thiên, Ô Sa, Phốc Đầu, Văn Công, các dạng Long bào, Mãng bào, Bổ phục v.v. vào các ngày triều hạ. Đối với trang phục của triều đình Nguyễn Nhạc (ở ngôi từ năm 1778 đến năm 1793), qua miêu tả của Chapman, có thể thấy trong những buổi thiết triều, Thái Đức đế Nguyễn Nhạc đội mũ Xung Thiên đính trang sức bằng vàng và bảo thạch, mặc Long bào màu vàng sẫm; bá quan trong triều đội những chiếc mũ được trang sức bằng vàng bạc, mặc Mãng bào, đeo đai lưng.
Đối với trang phục của vua Quang Trung Nguyễn Huệ (ở ngôi từ năm 1788 đến năm 1792), Thanh thực lục cho biết, “loại đai thắt quốc vương nước ấy dùng trong nước là đai nền đỏ, nay muốn gia ban đai nền vàng để tỏ rõ sự biệt đãi ”. Kim Jeong Jong (Kim Chính Trung) mô tả: “Quan An Nam búi tóc cao dùng Võng cân, bào phục vào chầu và đai sừng rất giống với nước ta, vả lại còn đội mũ gọi là mũ Văn Công.”
Tóm lại, quy chế áo mũ phẩm phục của triều Tây Sơn về cơ bản có nhiều nét tương đồng với quy chế áo mũ triều Nguyễn. Riêng sự kết hợp giữa Lương quan với Long bào, Mãng bào, mũ Xung Thiên với Bổ phục là những biến cách độc đáo, chỉ xuất hiện ở triều đình Quang Trung.
Trang phục phụ nữ thời Tây Sơn khá cầu kỳ với các chi tiết thêu, may đắp tỉ mỉ và đặc biệt trang phục của phụ nữ thời này hơi giống chiến phục và thay vì váy thì họ mang quần. Những năm đầu thế kỷ 19, phụ nữ bị cấm mặc váy vì cho là dung tục.
Như vậy có thể thấy chế độ áo mũ của triều đình nước Việt thường xuyên diễn ra các đợt cải cách, sửa đổi, xuất phát từ tâm lý muốn khẳng định sự tiến bộ và khác biệt về văn vật trong sự đối sánh giữa các vương triều nội bộ nước Việt và trong sự đối sánh giữa vương triều Việt Nam với vương triều Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hậu quả của những đợt phá hủy kinh thành, sách vở của quân Chiêm và quân Minh trong thế kỷ XIII, XIV cùng những động loạn của nội chính nhà Lê trong suốt những thế kỷ XVII, XVIII cũng là những nguyên nhân chính khiến việc tái thiết chế độ triều nghi, phẩm phục của triều đình trở nên bức thiết. Trên đây là thông tin về trang phục truyền thống thời kỳ nhà Lê.