Kimono cần mặc đúng quy cách mới có thể thể hiện được hết phong thái cũng như vẻ đẹp của chúng. Tuy nhiên, áo Kimono có khá nhiều chi tiết, gây nhiều khó khăn khi mặc, nhất là với những người nước ngoài. Vậy cách mặc Kimono như thế nào cho đúng?
Tìm hiểu về Kimono Nhật Bản
Kimono (着物) hay còn gọi là Wafuku (和服) với ý nghĩa là “y phục Nhật” là loại y phục truyền thống của Nhật Bản. Kimono không chỉ đơn thuần là trang phục truyền thống mà còn được xem là một tác phẩm nghệ thuật.
Có thể bạn quan tâm:
- Ý nghĩa của Kimono trong văn hóa Nhật Bản bạn chưa biết
- 4 loại vải may Kimono thông dụng nhất, bền nhất, đẹp nhất
- Cấu tạo của Kimono và những thông tin hấp dẫn bạn chưa biết
Người Nhật đã sử dụng Kimono trong vài trăm năm. Khi mới xuất hiện, “Kimono” là một từ tiếng Nhật mang nghĩa là “đồ để mặc – quần áo”. Tuy nhiên, những năm gần đây, từ này được sử dụng để nói đến bộ quần áo Nhật truyền thống.
Kimono Nhật Bản được phân loại theo hoàn cảnh mặc, gồm: 黒留袖 (kuro-tomesode), 振袖 (furisode), 色留袖 (iro-tomesode), 訪問着 (hōmongi), 付け下げ (tsukesage), 色無地 (iro-muji), 小紋 (komon), 浴衣 (yukata) và 喪服 (mofuku).
Furisode (振袖)
Là loại y phục dành cho thiếu nữ còn độc thân, ống tay áo rộng và dài, màu sắc tươi tắn với nhiều hoa văn trang trí trên vải lụa tốt, được dệt thủ công.
Tomesode (留袖)
Là loại kimono thanh lịch nhất và trang trọng nhất dành cho phụ nữ đã lập gia đình, đặc trưng bởi ống tay áo ngắn, phần vạt áo bên dưới có một số hoa văn đơn giản với màu sắc trang nhã. Nó tương ứng với “váy dạ hội” theo phong cách phương Tây, mặc dù bộ kimono này có thể được mặc bất cứ lúc nào trong ngày.
Tomesode có màu đen tổng thể được gọi là kuro tomesode (黒留袖) có thêu phù hiệu gia tộc dùng để mặc trong các sự kiện trang trọng như đám cưới của người thân. Và các loại Tomesode có màu khác được gọi là iro tomesode (色留袖).
Hōmongi (訪問着)
Loại này dành cho mọi đối tượng phụ nữ (nhưng thông dụng nhất là phụ nữ đã có gia đình), thường mặc trong tiệc trà, họp mặt người thân hoặc các cuộc viếng thăm theo nghi thức. Màu sắc trang nhã, hoạ tiết trang trí có trên khắp mặt vải nhưng mật độ hoa văn không bằng Furisode.
Tsukesage (付け下げ)
Được sử dụng trong các buổi tiệc, tiệc trà, cắm hoa và đám cưới của bạn bè. Thường có hoa văn chạy dọc theo thân và lưng áo, đắp ở đỉnh vai, họa tiết trên áo sáng và nổi rõ.
Komon (小紋)
Mặc trong những dịp bình thường, được trang trí toàn bộ bởi các họa tiết nhỏ, nhẹ nhàng.
Tsumugi (紬)
Cũng mặc trong những dịp bình thường nhưng các họa tiết sáng và rõ ràng hơn. Trước đây dành cho tầng lớp thường dân.
Yukata (浴衣)
Loại kimono thông thường, mặc trong mùa hè, thường làm bằng vải cotton với tay áo ngắn. Ngoài ra còn thường được mặc trong các quán trọ truyền thống của Nhật Bản.
Shiromuku (白無垢)
Lễ phục trắng cô dâu mặc trong đám cưới với phần đuôi áo khá dài và toả tròn ra. Màu trắng tượng trưng cho sự bắt đầu của một chuyến đi. Bộ lễ phục này thường đi kèm băng vải trắng trên đầu có tên là tsunokakushi (角隠し).
Mofuku (喪服)
Loại lễ phục tuyền một màu đen, chỉ được dùng để đi đám tang của họ hàng gần.
Jūnihitoe (十二ひとえ)
Được dịch nghĩa là “mười hai lớp áo” – là loại trang phục dành riêng cho phụ nữ hoàng gia và quý tộc Nhật Bản vào thời Heian. Trên thực tế, số lượng của những lớp áo trong bộ trang phục này chỉ mang tính tương đối gồm một số loại áo kiểu kimono khác nhau.
Cách mặc Kimono Nhật Bản đúng quy cách của người Nhật
Cấu tạo của áo Kimono truyền thống
Trước khi tìm hiểu cách mặc Kimono, bạn cần nắm được cấu tạo của sản phẩm. Vậy Kimono gồm những chi tiết gì?
Kimono là trang phục được may bằng vải dệt từ các nguyên liệu tự nhiên như vải lanh, bông, lụa và được khâu bằng tay.
Cấu tạo của kimono gồm 4 mảnh chính: hai mảnh làm nên thân áo, hai mảnh làm thành tay áo. Các mảnh nhỏ còn lại làm nên cổ áo và miếng lót hẹp.
Thông thường, một bộ kimono gồm có:
- Obi-jime (帯締め) – dây cột trang trí, tạo điểm nhấn cho Obi
- Date-jime (伊達締め) hay Date-maki (伊達巻き) – dây quấn cố định, gồm 2 miếng
- Obi-makura (帯枕) – “gối” luồn phía sau của Obi
- Vớ Tabi
- Obi-ita (帯板) – tấm lót tạo dáng phẳng đẹp cho Obi
- Dây cột Koshi-himo (3 sợi)
- Obi-age (帯揚げ) – vải trang trí cho Obi
- Thắt lưng Obi (帯)
- Đồ lót chuyên dụng Nagajuban (長襦袢)
- Ngoài ra còn có các phụ kiện kèm theo như trâm cài đầu, guốc gỗ,…
Cách mặc Kimono – Hướng dẫn mặc Kimono Nhật Bản
Mặc Nagajuban
Đầu tiên, bạn cần đi tất (vớ) Tabi trước. Vì sẽ rất khó để cúi người sau khi đeo đai lưng (Obi) lên người. Sau đó là mặc nagajuban. Nagajuban giống như đồ lót, và nó được mặc bên trong áo Kimono.
- Giữ cả hai đầu của cổ áo (衿先 Eri-saki) và kéo ra phía trước mặt. Đảm bảo rằng độ dài của hai bên bằng nhau và đường may từ cổ dọc xuống thân áo cũng nằm giữa lưng của bạn.
- Giữ cả hai vạt áo bằng một tay và kiểm tra đường may ở mặt lưng bằng tay kia. Tạo khoảng trống giữa cổ áo và cổ của bạn sao cho kích thước bằng nắm tay.
- Quấn vạt áo phải (shitamae) vào người trước, sau đó là vạt áo trái (uwamae) tránh làm xô vị trí cổ áo đã chỉnh, sao cho mặt cắt của hai Eri đến chính giữa ngực.
- Giữ chính giữa dây quấn cố định (Datejime) bằng tay phải và đưa nó sang trái bằng tay trái.
- Quấn nó quanh lưng của bạn, bắt chéo hai bên ở phía sau và đưa hai đầu dây ra phía trước.
- Buộc lại một lần và vòng hai đầu dây sang 2 hướng khác nhau.
- Nhét các phần cuối dây bên dưới “Datejime” và sửa lại các nếp nhăn ở phía sau lưng áo hình thành do bị buộc lại sao cho phẳng phiu.
Sau khi hoàn thành bước mặc lớp áo lót Nagajuban, chúng ta có thể tiến tới xử lý bước tiếp theo, đó là mặc kimono.
Mặc Kimono
Điều đầu tiên trong cách mặc Kimono là đảm bảo rằng tay áo của “Nagajuban” nằm đúng bên trong tay áo của Kimono. Lúc này, nếu bạn chồng cổ áo của “Nagajuban” với cổ của “Kimono” và cố định bằng kẹp ghim, bạn có thể ngăn áo kimono lệch khỏi vai hoặc lệch tâm lưng.
Điều thứ hai trong cách mặc kimono là bạn cần điều chỉnh độ dài của Kimono bằng cách kéo mặt phải của Kimono lên cho đến khi cách mép sàn 1-2 cm. Sau đó cuốn cánh áo phải “shitamae” vào người sao cho đường viền “tsumashita” của nó phải thẳng hàng với “wakisen” đường may phần hông bên trái của bạn. Và làm tương tự với cánh áo trái “uwamae”.
Bây giờ bạn dùng “Koshi-himo” buộc quanh eo theo cách mà bạn cố định “Nagajuban” và kéo phẳng áo phần vải thừa phía trên đai buộc từ lớp trong của bên phải, sang lớp ngoài ở bên trái. Làm phẳng mọi nếp nhăn. Kiểm tra xem viền có đều không và cổ áo có nằm khít với vị trí của Nagajuban không. Chú ý điều chỉnh sao cho viền dưới của lớp vải thừa nằm ngang bụng.
Tiếp đến, bạn dùng “Koshi-himo” cột cố định áo kimono theo các bước như đã làm ở trên. Kéo đường may sau lưng xuống và kéo sang hai bên để làm phẳng các nếp nhăn trên lưng. Căn chỉnh “miyatsuguchi ” ở cả hai bên. Nhưng ở phần này, bạn lưu ý: điều chỉnh phần vải thừa phía dưới dây cột (gọi là: おはしょり Ohashori) bằng cách kéo đều lớp vải lên sao cho nó có độ rộng đẹp mắt tiêu chuẩn, trong khoảng từ 5-7cm.
Cuối cùng, là đặt “datejme” ra ngoài phần Ohashori và buộc lại giống như khi mặc Nagajuban.
Tiếp sau đó, bạn chỉ cần đặt obi vào bộ kimono của bạn và chúng ta đã xong các bước mặc một bộ Kimono hoàn chỉnh.
Có thể bạn quan tâm:
- Bohemian – Phong cách thời trang cho ngày hè nắng nóng
- Hanbok – Nét đẹp truyền thống đến từ xứ sở kim chi
Bạn có thể thuê và mặc thử Kimono ở đâu?
Có rất nhiều cửa hàng dịch vụ nơi bạn có thể thuê và mặc kimono quanh Asakusa ở Tokyo và thành phố Kyoto hoặc thành phố Nara.Nếu bạn cảm thấy việc mua kimono là một quyết định tốn kém hoặc khó tự mặc chúng thì bạn nên thử qua các dịch vụ này.
Rika-Wafuku (梨花和服)
Cửa hàng chính của Rika-Wafuku nằm ở cố đô Kyoto, nhưng họ cũng có các cửa hàng ở Asakusa, Tokyo. Ngoài dịch vụ cho thuê kimono, gói trang điểm-làm tóc và gói dịch vụ cho các cặp đôi cũng có sẵn.
Nhân viên của Rika-Wafuku có thể nói tiếng Anh, Trung Quốc hoặc Hàn Quốc, vì vậy bạn sẽ có thể thoải mái thuê đồ mà không cần phải lo lắng nhiều nếu không biết tiếng Nhật.
Waraku (和楽)
Là một cửa hàng cho thuê kimono ở Asakusa, có cả người nước ngoài. Waraku có sẵn một loạt các gói dịch vụ phù hợp với nhu cầu của bạn, chẳng hạn như thuê theo nhóm nhóm hay cặp đôi.
Uruwashiki (うるわしき)
Uruwashiki là cửa hàng cho thuê kimono gần Fushimi Inari – ngôi đền cáo nổi tiếng cố đô Kyoto, được rất nhiều người nước ngoài ghé thăm. Họ cũng mở các lớp học mặc kimono cho người nước ngoài với giáo viên là người có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề. Chắc chắn sẽ làm hài lòng những ai có niềm đam mê và sự yêu thích với loại trang phục truyền thống này.
Ngày nay, mặc dù người Nhật thường mặc trang phục phương Tây nhưng kimono truyền thống vẫn được nhiều người yêu thích. Lý do khiến kimono được nhiều người yêu thích không chỉ vì vẻ đẹp mà Kimono có thể thích nghi với văn hóa Nhật Bản. Đó cũng là một trong những lí do vì sao từ “Kimono” đã được quốc tế hóa và được sử dụng trên toàn thế giới.
Với những thông tin trên, bài viết hi vọng đã đem đến chia sẻ hữu ích, giúp bạn nắm được cách mặc Kimono Nhật Bản. Đồng thời, tìm hiểu về trang phục Kimono – nét đẹp truyền thống trong văn hóa của người Nhật.