Trang phục truyền thống thời kỳ nhà Nguyễn với nhiều nét độc đáo. Với triển lãm “Chế độ Y quan triều Nguyễn” trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế, công chúng có cái nhìn tổng quát về chế độ trang phục của các tầng lớp trong xã hội triều Nguyễn, sự chặt chẽ trong phân cấp phẩm hàm và nét tinh tế, đặc sắc của nghệ thuật thẩm mỹ. Cùng tìm hiểu về trang phục truyền thống thời kỳ nhà Nguyễn nhé.
Ngắm áo vua, quan
Trưng bày hơn 120 phiên bản tài liệu, tư liệu, hình ảnh, hiện vật về trang phục của hoàng gia, quan lại, binh lính, tân khoa triều Nguyễn, triển lãm “Chế độ Y quan triều Nguyễn” mang đến cho người xem cái nhìn tương đối đầy đủ về trang phục của triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, với những quy định cụ thể trong trang phục dành cho vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa, hoàng thân công, quốc công… Trong số những tài liệu Châu bản triều Nguyễn, ảnh sưu tầm và hiện vật, có nhiều tài liệu lần đầu được công bố tới đông đảo công chúng.
Bên cạnh tài liệu lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, người xem còn được chiêm ngưỡng những chiếc áo của vua, hoàng hậu, quan lại của nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng. Lê Anh, sinh viên Khoa Thiết kế đồ họa, Trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng tấm tắc: “Mỗi bộ trang phục của vua, quan, hoàng thân quốc thích dưới triều Nguyễn đều là một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện sự trang trọng, uy nghiêm của triều đại”.
Trang phục cung đình triều Nguyễn không chỉ là trang phục mà còn là văn hóa, bao hàm những giá trị về thẩm mỹ mang bản sắc dân tộc. Sự đa dạng, phong phú của trang phục cung đình với xiêm, áo, quần, mũ, hia, hài đều tuân theo một trật tự đẳng cấp và phân loại theo từng chức năng rõ ràng. Trang phục thiết đại triều, trang phục thiết thường triều, trang phục tế lễ, trang phục lễ tịch điền và thường phục đều có quy định khác nhau về chất liệu, màu sắc, kiểu dáng và hoa văn trang trí…
Theo bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế, trên phương diện mỹ thuật, mỗi bộ trang phục của vua, hoàng hậu, thái tử, công chúa, hoàng thân quốc thích, quan viên dưới triều Nguyễn đều là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Đó là sự kết hợp của nghệ thuật may, thêu, hội họa và nét tài hoa của thợ kim hoàn, một minh chứng sinh động giúp người xem hiểu hơn về trình độ tay nghề, khiếu thẩm mỹ của các bậc nghệ nhân xưa. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy hình ảnh của trang phục cung đình triều Nguyễn vô cùng quan trọng.
Sưu tầm trang phục triều Nguyễn cách đây hơn 20 năm, nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng đang sở hữu bộ sưu tập trang phục cung đình triều Nguyễn khoảng 30 chiếc. Tuy số lượng không nhiều nhưng rất phong phú và có giá trị, gồm áo vua, quan, hoàng thái hậu, cung nữ, đặc biệt là chiếc áo của quan nhất phẩm và quan nhất đẳng thị vệ hiện chưa thấy có cái thứ hai. Nhà sưu tập chia sẻ: “Tôi phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Huế giới thiệu trang phục cung đình để công chúng chiêm ngưỡng, các nhà nghiên cứu, nhà thiết kế có hiện vật gốc để nghiên cứu vì hiện vật về trang phục còn lại rất ít”.
Chế độ trang phục truyền thống thời kỳ nhà Nguyễn rất quy củ
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, trang phục là một yếu tố quan trọng trong việc tạo nên tính quy củ về hình thức của mỗi triều đại quân chủ. Đối với các nước phương Đông, trình độ văn minh của các triều đại còn được đánh giá qua chế độ y quan (nghĩa rộng là trang phục) và lễ nhạc. Các triều đại quân chủ Việt Nam cũng đặc biệt chú ý đến điều này. Dưới triều Nguyễn, chế độ y quan càng được xem trọng và có nền móng chuẩn bị rất tốt, xuất phát từ thời chúa Nguyễn và được kế thừa qua các triều đại.
Từ thời vua Minh Mạng trở đi, triều đình có những quy định rất quy củ về tất cả phẩm cấp quan lại, kể cả về chế độ triều phục, lễ phục, võ phục, tế phục… Đó là biểu hiện của một chế độ có tôn ti trật tự, thể hiện bằng hình thức trang phục. Nhìn vào trang phục, người ta thấy cả sự uy nghiêm của triều đại, biết được ngay vị thế, phẩm cấp của người đó trong xã hội. Với tầng lớp quý tộc và quan lại, mỗi bộ trang phục là sự kết hợp của nghệ thuật may thêu, hội họa, chế tạo kim hoàn và mang tính thẩm mỹ cao của các bậc tiền nhân. Vì vậy, chế độ y quan triều Nguyễn mang đậm những dấu ấn lịch sử, có ý nghĩa về văn hóa và là di sản độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Chế độ trang phục truyền thống thời kỳ nhà Nguyễn phân theo thứ bậc đế, hậu, hoàng tử, công chúa, tôn thất và chi tiết đến từng yếu tố, như: chất liệu vải, màu sắc, kiểu dáng, họa tiết trang trí, số lượng y phục, vật liệu trang sức đi kèm. Trang phục hoàng gia có nhiều loại, mỗi loại có tên gọi, màu sắc, công năng riêng và được mặc vào những dịp cụ thể: trang phục đại triều, trang phục thường triều, trang phục nghi lễ, thường phục, trang phục theo mùa. Các loại vải lụa để may trang phục cho vua chúa, hoàng thân quốc thích là vải lụa cao cấp. Để tăng thêm giá trị và uy nghi, trên áo mũ của vua hậu triều Nguyễn đều được gắn vàng bạc, kim cương, trân châu.
Quy chế triều phục của quan lại cũng được phân cấp rõ ràng. Tùy theo phẩm hàm mà quan viên văn võ được nhà vua ban triều phục đại triều và thường triều. Triều phục đại triều được cấp cho quan võ tam phẩm, quan văn lục phẩm trở lên, các bậc quan còn lại chỉ được cấp thường triều. Các cấp bậc của quan lại triều Nguyễn được phân biệt qua màu sắc áo, các chi tiết hoa văn trên áo, đai, bổ tử và mũ. Sự phân biệt các hạng lính chủ yếu ở các hạng mũ, áo. Việc phân cấp phẩm phục thể hiện tính tôn ti, thứ bậc của quan lại, cũng chính là tôn ti trật tự của xã hội.
Việc trưng bày “Chế độ Y quan triều Nguyễn” còn có ý nghĩa trong thời điểm Thừa Thiên Huế đang nỗ lực xây dựng đề án “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam”. Ông Hải nhấn mạnh: “Triển lãm cho thấy, Huế chính là Kinh đô của áo dài một thuở, thể hiện đầy đủ chế độ trang phục rất tiêu biểu của Việt Nam trong quá khứ. Đây là nền tảng, cơ sở để chứng minh, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để xây dựng đề án “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam” thành công.
Đó không chỉ là câu chuyện văn hóa, đằng sau đó còn là câu chuyện để phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là du lịch, dịch vụ từ sản phẩm áo dài”. Trên đây là trang phục truyền thống thời kỳ nhà Nguyễn.